Lamborghini Huracán LP 610-4 t
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên


Phan_2

Vân là gì? Mây tự nhiên tự tại bay trong vạn dặm không trung, không dấu không vết, không chốn đi về, cùng với cảnh trí bốn mùa, biến ảo khó lường, sớm chiều đổi khác. Lúc rực rỡ diễm lệ như cầu vồng, lúc trắng muốt như tuyết, lúc dày đặc như sương mù, lúc lại tàn mát như khói. Tên của nó là Vân, ngạo nghễ trên bầu trời, trăm ngàn tư thế, vạn phong tình. Tuỳ duyên mà tụ, tuỳ duyên mà tan, một đời sáng rỡ, không hề có vết tích. Đến cũng như đi, đều không mang theo thứ gì, ba nghìn ảo cảnh, đều là mơ hồ.

Thuỷ là gì? Hướng thiện như nước, tự tại chảy trôi. Một đời của nước đều khiêm nhường, sáng tạo chúng sinh, nuôi dưỡng vạn vật. Không thấy hình của nó, nhưng lại nghe được âm của nó, biết được cốt của nó. Nước tuy yếu ớt, nhưng lại có cái mạnh mẽ của giọt nước xuyên đá tảng. Suối chảy róc rách, nhưng lại có cái khí thế trăm sông hội tụ. Sóng trong biêng biếc, nhưng lại sâu thẳm khó lường. Sóng cả ào ạt, nhưng lại có cái tinh tế uyển chuyển. Đây chính là nước, có thể rửa trôi vui buồn, cũng có thể xoá mọi phù hoa. Nó chảy qua ngày tháng, trang nhã ung dung, yên lặng vui vẻ, không cầu không ước.

Thiền tâm là gì? Thiền tâm là một bình trà trong dưới nắng chiều, là một cây bồ đề trong đồng nội xanh non, là một luồng sáng trong những tháng năm như nước, là một khúc nhạc nền trong vở kịch nhân sinh. Thiền tâm là giữa núi rừng hoang vắng nhặt nhạnh hết những cành cây lạnh lẽo khẳng khiu, là buông câu giữa trời tuyết bên bờ sông trên chiếc thuyền nho nhỏ; cũng là vội vã qua qua lại lại trên con đường nhân sinh, là nỗi niềm vui sướng ân oán hận thù trong giang hồ mưa gió. Trong lúc bạn toạ Thiền, tâm để ngoài trần thế. Trong lúc bạn ở trần thế, tâm vẫn có thể nhập Thiền.

Mỗi người duy chỉ có mài giũa hết sự sắc nhọn của bản thân, mới có thể thực sự tự tại bình thản. Khi đó, càng hiểu được cách bình tĩnh đối đãi với sự tụ tan ly hợp của đời người, đón nhận khổ nạn và tang thương mà năm tháng mang đến. Đã từng có những năm tháng rực rỡ, đến nay nhìn tưởng tịch liêu thưa vắng, lại có vài phần phong cốt, tăng thêm ý vị. Duy chỉ có như thế, mới có thể có được Thiền Tâm tỉnh táo và sáng suốt, dù khói mây biến ảo, nước trôi ào ào, cũng không thay đổi sắc màu non sông.

“Lục Tố đàn kinh” viết: “Con người ta bản tính trong sạch thanh tịnh, vạn pháp đều sinh ra từ tự tính[11]; nghĩ đến hết thảy việc ác, thì sẽ làm chuyện ác; nghĩ đến hết thảy việc thiện, thì sẽ làm điều thiện. Chư pháp như thế, đều từ trong tự tính, như trời luôn trong xanh, mặt trăng mặt trời luôn toả sáng, vì mây nối che khuất, mà trên sáng dưới tối, bỗng có gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng tỏ, vạn tượng đều hiện rõ”.

[11] Tự tính (sa. Svabhãva, ja. Jishõ) chỉ cái tính nằm sau mọi hiện tượng, cái ngã. Theo quan điểm Đại Thừa, tất cả mọi sự đều không có tự tính (sa. Svabhãva), vô ngã, tức là không có một cái gì chắc thật, riêng biệt đứng đằng sau các trình hiện. Điều đó không có nghĩa sự vật không có thật, chúng hiện diện nhưng chúng chỉ là dạng xuất hiện của tính Không, tự tính là tính Không. Đây là quan điểm trung tâm của tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa (sa. Prãnàparamitã) và Trung quán (sa. Madhyamaka). Tuy nhiên, trong Thiền tông và các tông phái của Đại Thừa tại Trung Quốc, danh từ “tự tính” được dùng để chỉ cho bản thể thật sự của chúng sinh, vạn vật, đồng nghĩa với Phật tính (sa. Buddhatã, ja. Busshõ) và nên phân biệt nó với cái tiểu ngã mà Phật đã bác bỏ.

Mỗi một con người khi sinh ra đều lương thiện, chỉ vì nhập thế quá lâu, trải qua quá nhiều chuyện, tiếp xúc với quá nhiều người, mới không còn từ bi nữa. Đây là một quá trình từ lạ lẫm đến quen thuộc, từ đơn giản đến phức tạp, cũng là con đường mà đời người buộc phải đi qua. Có những người, vòng qua mấy ngã rẽ, lại gặp lại bản thân lúc ban đầu, lại nhặt về sự giản đơn và trong sáng của quá khứ. Có những người, trăm chuyển nghìn hối mới có thể giác ngộ tự nhận thức.

Có lẽ đợi đến ngày nào đó, thế sự như gió nhẹ mây nhàn, chúng ta sẽ không cần làm rõ ràng từng giấc mộng cũ. Mà toàn bộ quá trình, chúng ta đã từng có được có mất, đã từng trải qua biết bao hợp ly ly hợp, cũng đã từng có nhiều điều thiện ác, đều không cần tính toán nữa. Bởi vì trước sau chúng ta vẫn đánh mất bản ngã chân thực của chính mình, có thể sống bình thản, thoải mái trong đất trời bao la, thì đó chính là dũng sĩ của năm tháng. Có thể trong một đêm tĩnh mịch, ngắm vầng trăng sáng xa xôi lưng trời, chính là sự từ bi thực sự.

Mộng ảo phù sinh, đều là bèo bọt, như sương như sét, như mây như khói. Ngày hôm qua gió ẩm bồ đề xanh, đêm nay sương nhuộm lá phong đỏ. Sinh mệnh chính là một cuộc viễn hành của loài hồng hạc, đợi đến khi sóng xuân lui xuống, đến ngày gió thu nổi lên, mới hiểu được phải quay về. Khi đó, bước qua hết vạn dặm giang sơn, thăm thú hết mọi miền quê đường dịch, sao lại không biết, sự thanh thản thực sự chính là từ bỏ tất cả, gặp đâu vui đó.

Giấc mộng Nam Kha[12], núi trống rừng già. Chốn đào nguyên mà muôn ngàn chúng sinh lao tâm khổ tứ đi tìm, hoá ra không phải ở non cảnh tiên bồng, mà là nằm trong nhân gian sắc màu sặc sỡ. Ở đây, hoa rơi nước chảy không thành tiếng, sớm lạnh trong khói có lờ mờ; ở đây, giữa rừng trúc chim hót véo von, chốn sơn tự tiếng chuông bảng lảng. Ba canh gió tuyết, đã có thể khiến núi xanh bạc đầu; một bàn cờ thế, đã có thể định rõ Hán Sở thắng thua; một chiếc thuyền nan, cũng đủ để đến được bờ bên kia của Thiền.

[12] Giấc mộng Nam Kha: bắt nguồn từ tiểu thuyết “Tiểu sứ Nam Kha thái thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường, kể về Thuần Vu Phần, say rượu nằm dưới gốc hoè, trong mơ Thuần đến nước Đại Hoè, giành ngôi trạng nguyên, được làm phò mã, rồi được cử làm thái thú đất Nam Kha. Rồi mấy chục năm trôi qua, xảy ra biến cố, Thuần Vu Phần bị nhà vua truất quyền cách chức, trở lại làm thường dân. Tỉnh mộng, thấy dưới gốc cây hoè có một tổ kiến, Thuần hiểu ra nước Đại Hoè chính là tổ kiến ở cây hoè. Về sau giấc mộng Nam Kha được ví đời người như giấc mơ, vinh hoa phú quý đều như mộng ảo.

Thế sự biết bao sóng gió, chìm nổi chỉ trong khoảnh khắc, một suy nghĩ. Người đi nghìn non xa, đêm nay chung trăng sáng. Có một nơi như thế, cho dù chúng ta đi bao xa, lạc lối bao lâu, lún sâu dường nào, đều đợi chờ tôi và bạn. Khi đó chính là chim mỏi về tổ, giữ mái nhà xưa yên ổn. Không thổ lộ tâm sự ly biệt với ngọn gió xuân, chỉ từ khung cửa sổ cao cao, lặng lẽ ngắm nhìn hoa tàn hoa nở trong sân. Nơi này, chính là bồ đề của tâm linh.

Đào kép vào vai, không phân trên hay dưới sân khấu. Mà Thiền già nhập thế, cũng không chia trong hay ngoài trần thế. Bởi vì họ đều đã tu luyện đến một cảnh giới nhất định, sớm đã không chịu tác động của gió mây bên ngoài. Bất cứ lúc nào đều là vai chính, cũng đều không phải vai chính. Họ có đủ định lực, giữ được toà thành thuộc về mình, không cần hứa hẹn, không cần thề thốt, vẫn có thể trường tồn cùng trời đất.

Câu chuyện sinh diệt, tình cảm lên xuống của nhân thế, vốn tương thông với sự tươi tốt khô héo của thiên nhiên. Trong từ của Vương Quốc Duy có một câu như thế này: “Quân khán kim niên thụ thương hoa, bất thị khứ niên chi thượng đoá.” (Bông hoa chàng thấy năm nay, nào phải đoá cũ cành này năm xưa) Chúng ta cho rằng hoa đã tàn, sẽ lại nở tiếp. Mà không biết, hoa nở trăm ngàn lần, nhưng đều không phải đoá hoa trước kia. Giống như một đời của cây cỏ, giống như một kiếp của con người. Cây cối xuân tươi thu héo, mà con người, khi tuổi tráng niên đã qua, sẽ không thể nào trở lại được nữa.

Tất cả chấp nhất đều chỉ là vọng niệm nhất thời, bước qua được, ảo tưởng tiêu tan, vĩnh viễn không phục hồi. Không bước qua được, hãy coi là kiếp số, trên con đường hồng trần gặp phải một lần trắc trở. Chỉ có trồng một cây bồ đề trong tâm, tự tính tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, coi vô thường là bình thường, coi hữu tưởng là vô thường, mới có thể được giải thoát thực sự, giống như mây tự do trôi ngang trời.

Không ai biết cảnh giới của Thiền rốt cuộc là gì, cũng không biết phải tu luyện bằng phương pháp gì. Mỗi một người, chỉ cần trong tâm có thiện niệm, bớt đi ham muốn, tự mình có thể giảm phiền nhiễu, tâm sáng tỏ tường. “Lục Tổ đàn kinh” viết: “Tự tính mà ngộ thì chúng sinh là Phật, tự tính mà mê thì Phật là chúng sinh. Tự tính mà bình đẳng thì chúng sinh là Phật. Tự tính mà ác hiểm thì Phật là chúng sinh.” Phật duyên đã đến, thì điều kiện chín muồi, nước chảy thành sông. Khi đó, cỏ cây là Phật, núi đá là Phật, phàm phu là Phật, tục tử là Phật, vạn vật chúng sinh đều là Phật.

Hoa rơi đạm bạc, nước chảy lặng thinh. Trong những ngày tháng trong trẻo giản đơn, khi nói về tâm tính, ngồi trong rừng trúc sâu hun hút, thưởng thức tịnh trà lóng lánh ánh dương. Nhìn người con gái áo trắng hơn tuyết đó, hàng mi thanh tú, không hề phấn son, gẩy một cây Thất Huyền Lục Y[13], hát một khúc Vân Thuỷ Thiền Tâm, mặc cho lá trúc xào xạc, mây trắng nhởn nhơ, đi đi đến đến, tụ tụ tan tan.

[13] Thất Huyền Lục Y: là cổ cầm, Lục Y cầm là một cây đàn của văn nhân nổi tiếng đời Hán Tư Mã Tương Như. Tương truyền, đàn Lục Y có thân màu đen, loáng thoáng sắc màu xanh thẫm, giống như dây leo bám trên cổ thụ, vì thế có tên là Lục Y.

Vân Thuỷ Thiền Tâm[14]

[14] Thời Bắc Tống, có một cổ khúc tên là “Vân Thuỷ Thiền Tâm”. Trong khung cảnh núi đá, có một thiếu nữ, tên là Thiền Tâm. Nàng có ngộ tính cao, bẩm sinh thông tuệ, không lâu sau, có một đạo sĩ từ phương xa tới, đạo hiệu gọi là “Vân Thuỷ chân nhân”. Nói là mượn nhà của Thiền Tâm để ở, nhưng ở liền hơn một năm mà không có ý trả nhà. Ngày ngày trau dồi cầm nghệ với Thiền Tâm, đêm đến lại cùng ngắm trăng sao. Lâu ngày, có người nói lời đàm tiếu, không còn cách nào khác, Vân Thuỳ chân nhân và Thiền Tâm phải từ biệt. Thiền Tâm đưa tiễn hơn mười cảnh dương liễu tặng, Vân Thuỷ gảy một khúc cáo từ. Trong khúc nhạc. ngoài tâm hồn trong sáng cao vời, tư tưởng Phật gia không gì chướng ngại ra, còn là tâm tình hai bên thấu tỏ lẫn nhau, tình ý thân thiết không nỡ từ biệt. Từ đây khúc nhạc có tên “Vân Thuỷ Thiền Tâm”. Truyền thuyết nói rằng, sau này Thiền Tâm u uất mà chết, tuổi trẻ kết thúc sớm. Lúc bệnh nguy cấp, trên cây đàn thất huyền, nàng đã gẩy âm phù đầu tiên của khúc này.

“Không sơn điểu ngữ hề, nhân dữ bạch vân thê. Sàn sàn thanh tuyền trạc ngã tâm, đàm thâm ngư nhi hí. Phong xuy sơn lâm hề, nguyệt chiếu hoa ảnh di. Hồng trần như mộng tụ hựu ly, đa tình đa bi thích. Vọng nhất phiến u minh hề, ngã dữ nguyệt tương tích. Phủ nhất khúc dao tương ký, nan chiết tương tư ý. Ngã tâm như yên vân, đương không vũ trường tụ. Nhân tại thiên lý, hồn mộng thường tương y. Hồng nhan không tự hứa. Nam Kha nhất mộng tỉnh, không lão sơn lâm. Thính na thanh tuyền đinh đông đinh đông tự vô ý, ánh ngã trường dạ thanh tịch.

(Tạm dịch: Ký gữi Thiền Tâm vào mây nước.

Núi vắng chim véo von hề, người và mây trắng nương tựa lẫn nhau,

Suối trong róc rách tẩy sạch tâm ta, bầy cá nô đùa dưới đầm sâu.

Gió thổi núi rừng hề, trăng chiếu bóng hoa lay,

Hồng trần như mộng hợp lại tan, đa tình lắm đau thương.

Gẩy một khúc đàn tặng người đi xa, khó tỏ hết nỗi lòng nhung nhớ,

Người xa ngàn dặm, hồn vấn vương, trong cõi mộng.

Uổng công tự xưng hồng nhan,

Giấc mộng Nam Kha khó tính, núi trống rừng già.

Nghe tiếng suối trong réo rắt như vô tình, soi tỏ mình ta tịch mịch giữa đêm thâu.)

Tất cả hữu tình đều sẽ trôi qua

Rất nhiều năm về trước, từng tưởng rằng Phật là vô tình. Bởi vì người xuất gia phải từ bỏ chấp niệm, cắt đứt trần duyên, mới có thể ở nơi núi non hẻo lánh, chẳng màng thế sự. Họ không còn qua lại với thế giới bên ngoài, thi thoảng có khách dâng hương, cũng chỉ là kết mối Phật duyên nhàn nhạt. Thế nên, họ chỉ có thể hấp thu linh khí trời đất trong vạn vật tự nhiên, cảm nhận nhân gian ấm lạnh trong năm tháng đổi dời. Vậy là, họ coi cây tùng già trên vách đá cheo leo là tri kỷ, coi cỏ xanh trên giếng cổ là tâm giao, coi con kiến trên thềm đá là bạn vong niên.

Sau này mới hay, Phật là nặng tình, lấy thân thử kiếp, mới có được tịnh thổ liên hoa của Phật quốc Thuỷ Thiên[15]. Phật ban phát tình yêu cho khắp chúng sinh, để những kẻ rơi vào lưới trần như tôi và bạn, có thêm một lựa chọn lương thiện, được giải thoát một cách yên lặng giữa khổ đau. Còn Phật, chưa bao giờ tham luyến phồn hoa khói lửa, luôn thanh đạm tự chủ, tĩnh toạ trên đài mây, ôn hoà an lành.

[15]Thuỷ Thiên Phật quốc: Thuỷ Thiên là tên của thiên thần, tiếng Phạn là Varuna, là một trong mười hai thiên Mật giáo, một trong Tám thiên hộ thế. Tức thần trấn giữ phương Tây, Phật quốc vừa là đất Phật, vừa chỉ chung chùa chiền. Ở đây Thuỳ Thiên Phật Quốc được hiểu là xứ Phật.

Tại sao Phật có thể buông bỏ oán tình cá nhân, bác ái hồng trần, mà thế nhân lại đắm chìm trong ái tình cỏn con của mình, luôn rơi vào cảnh ngộ không cách nào giải thoát nổi, là vì tu vi không đủ, hay là số mệnh đã định phải trải hết trần kiếp, mới có thể tránh được vòng luân hồi nhân quả? Đời đời kiếp kiếp, dòng Vong Xuyên của năm tháng chưa từng dừng lại mà vẫn hối hả đến và đi.

Nhân sinh hữu tình, cho nên mới có vương vấn, mới có phiền não. Phật nói, ngoái đầu nhìn nhau năm trăm lần mới đổi được cái lướt qua nhau của kiếp này. Cái gọi là duyên định ba kiếp, một vài cuộc gặp gỡ dường như đã được sắp xếp từ kiếp trước, cho nên, kiếp này tình vương không dứt. Phật khiến chúng sinh hiểu được thương tiếc duyên phận, trân trọng tình cảm, nhưng cũng khuyên răn chúng ta không nên mù quáng mê đắm, trên con đường năm tháng vô bờ, đánh mất bản chất chân thực của mình.

“Kinh Nghiêm Hoa[16]” viết: “Hết thảy chúng sinh đều có trí tuệ và đức tướng giống Như Lai, nhưng vì vọng tưởng và chấp trước, cho nên không thể chứng ngộ.” Không thể ung dung tự tại, là vì không thể dứt tình. Vì vậy mới gọi là bể khổ vô biên, quay đầu là bờ. Có tình là bể khổ, vô tình là bờ. Đại Thiên thế giới, mọi thứ đều là khổ, mà người ở ngoài cõi thế, coi mọi nỗi khổ thành niềm vui; coi hữu tình thành vô tình. Cho nên chúng ta luôn có thể cầu được yên tĩnh giữa chốn huyên náo; đạt được vui sướng giữa mọi niềm đau.

[16] “Kinh Ngiêm Hoa”: Tên đầy đủ là “Đại Phương Quảng Phật Nghiêm Hoa Kinh”, là một bộ kinh Đại Thiền, lập giáo lý căn bản của Nghiêm Hoa tông.

Trước khi buông bỏ, đều có một quá trình cố chấp. Quá trình này, có lẽ không phải là phượng hoàng Niết Bàn[17], nhưng cũng phải kinh qua vô số lần bãi biển hoá nương dâu. Trước khi Phật Đà A Nan xuất gia, từng gặp gỡ một thiếu nữ xinh đẹp trên đường, chỉ một lần như thế, từ đó mà đem lòng ngưỡng mộ lưu luyến không nguôi. Phật Tổ hỏi người: “Con thích cô gái đó đến nhường nào?” A Nan đáp: “Nguyện hoá thành cây cầu đá, chịu năm trăm năm gió thốc, năm trăm năm nắng đổ, năm trăm năm mưa sa, chỉ mong người con gái đó đi qua cầu.”

[17] Theo truyền thuyết, khi phượng hoàng Niết bàn, tức là phượng hoàng nhảy vào lửa đỏ, rồi tái sinh từ tro tàn.

Nặng tình đến thế, bây giờ chỉ có thể coi là một thần thoại. Yêu đến nhường nào mới có thể chịu đựng được thời gian dài đằng đẵng? Đừng nói là năm trăm năm, cho dù là ba năm hay năm năm cũng khó mà giữ được. Khi yêu, cam tâm tình nguyện tồn tại vì một người. Đến ngày hết yêu, lại hy vọng xoá bỏ mọi ký ức liên quan, toàn thân thanh tịnh.

Có lẽ rất nhiều người đều muốn biết, sau khi A Nan quy y cửa Phật, có còn nhớ lời thề ước ban đầu hay không? Đợi đến khi thiếu nữ xinh đẹp đó thành một bà lão tóc trắng phau phau, người còn tình sâu không đổi như cũ chứ? Người có lẽ có thể hoá thành cầu đá vì nàng, hóa thành non xanh nước biếc, hoá thân ngàn vạn lần, người cũng có thể thanh tịnh không vướng bận gì. Nếu như A Nan và thiếu nữ ấy kết một đoạn nhân duyên, liệu có thế trải qua ngày tháng thanh đạm sớm chiều bên nhau, giữ cho tình sâu ý nặng như ban đầu hay không?

Không có nếu như, cũng như chúng ta không cách gì có được kết quả chính xác từ một lời dự báo. Trong những ngày đánh mất tình yêu, năm tháng vẫn yên ổn như xưa, tuế nguyệt tĩnh mịch như thuở ban đầu. Nhưng những chuyện cũ tưởng chừng có thể lãng quên đó, lại không thế quên nổi dù chỉ là một chuyện, nhưng không thể tính toán, đành thuận theo tự nhiên. Thế sự rối rắm, bạn coi một vở kịch là thật, vậy thì tất cả thành thật. Bạn coi cuộc sống là giả, vậy thì tất cả đúng là giả.

Thái độ sống của mỗi người khác nhau, cách thức đối đãi với tình cảm cũng mỗi người một vẻ. Phật dạy con người không nên có quá nhiều chấp niệm đối với tình yêu, nhưng Phật lại ban phát càng nhiều tình yêu cho chúng sinh, mà không cầu bất cứ đền đáp nào. Trên thế gian này luôn có những người phải đợi ngàn cành buồm qua hết, mới nhận ra phải quay đầu, phải đợi đến lúc chia ly thất tán, mới bắt đầu hiểu được trân trọng, đợi đến lúc vật còn người mất, mới bắt đầu nhớ nhung.

Ở cung Potala (Bố Đạt La) xa xôi, từng có một vị tình tăng như thế, ngài tên gọi là Thương Ương Gia Thố, được vạn dân sùng bái. Cho dù Thiền Tâm thanh tịnh, thấu suốt, nhưng vì tình cảm mà không thể tự chủ. Năm đó ngài đã từng viết câu thơ khắc cốt ghi tâm: “Thế gian an đắc song toàn pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh.” (tạm dịch: Thế gian sao thể vẹn đôi đường, không phụ Như Lai chẳng phụ nàng) Ngài chính là một vị Phật nghiêm trang tĩnh toạ trên đài sen, phổ độ chúng sinh, mà trong lòng không thể quên được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Ở Tây Tạng, nơi thần bí cao thâm vời vợi, truyền thuyết về ngài như một bản tình ca, truyền đi hết thảy những nơi có cỏ cây, hồ nước. Rất nhiều người băng núi vượt sông đi tìm, đi lễ bái, không chỉ vì tín ngưỡng, mà nguyên nhân sâu xa hơn là vị tình tăng lãng mạn này đã đem đến sự thần kỳ và tươi đẹp như mộng ảo, khiến thế nhân tin rằng. ở vùng đất thần bí đó, hoa tình mọc khắp nơi, mỗi dòng sông, mỗi ngọn núi, mỗi chú dê nơi đó, đều được siêu độ.

Sau này lại có một vị tình tăng, người là chú nhạn cô lẻ giữa hồng trần, phiêu lãng nửa đời, nếm hết tình vị. Vị tăng già được tiên đoán số mệnh này, tên là Tô Mạn Thù. Cuộc đời của người, mấy lần trốn vào cửa Phật, nhưng trước sau chẳng quên nổi trần duyên. Khi người rời khỏi nhân gian, để lại tám chữ: Hết thảy hữu tình, đều không vương vấn. Nhưng người thực sự đã đốn ngộ, đã từ bỏ được chưa? Khi còn sống, người đã phụ biết bao hồng nhan, mỗi lần gây ra hoạ, lại quay người bỏ trốn. Không phải người vô tình, mà là thực sự không thể gánh vác trách nhiệm.

Chắc chắn còn rất nhiều vị tình tăng chúng ta đã biết, và cả những người chúng ta chưa biết, họ có phẩm chất như hoa sen, là một hạt cải giống trước Phật, lại là một đoá hoa sóng trong biển tình. Những người này cho dù là ngồi thiền trước Phật, hay là bôn tẩu nơi trần thế, sự tu hành của họ, đều là chữ Tình. Quỳ trên nệm bồ đoàn, dùng thời gian trăm nghìn năm, luân hồi mấy kiếp, đổi lấy nhân duyên một đời, hay một lần tương phùng. Đợi đến một ngày được như ý nguyện, là có thể triệt để cắt bỏ chấp niệm, tâm như pha lê, trong vắt như nước.

Phật nói: “Các hành đều vô thường, tất cả đều là khổ. Các pháp đều vô ngã, tịch diệt tức là vui[18].”[19] Trong quá trình tu luyện, không phải một lòng cố chấp vạch rõ giới hạn giữa bản thân với thế sự phồn tạp, mà là thân ở giữa khói lửa xoay vòng, vẫn có thể trong sáng như tuyết trắng năm xưa. Đi khắp sơn hà mênh mang, vạn vật phồn thịnh, ai vui nhân duyên thiên tính của người đó, ai cũng không thể thay thế được ai. Những con đường đã qua, những người đã gặp, những chuyện đã xảy ra, giống như nước sông dào dạt, không thể ngược dòng.

[18] Cùng với “Tịch tĩnh Niết Bàn là Tam pháp ẩn trong Phật giáo.

[19] Tức là diện mạo, chân tướng vốn có.

Rốt cuộc bạn còn cố chấp điều gì? Đã biết rõ, mỗi người đều là hạt bụi nhỏ nhoi giữa đất trời, có một ngày không biết sẽ về đâu. Phật Đà A Nan dù hoá thân thành cây cầu đá, chịu trăm ngàn năm gió thốc nắng đổ, há chẳng biết người thiếu nữ ấy đã chịu luân hồi cũng năm tháng hay không? Có lẽ nàng đã hoá thân thành bụi trần ở một kiếp nào đó, tan thành tro bụi, không hồn không phách. Có lẽ nàng hoá thành hoa sen ở một kiếp nào đó, tu thành chính quả trước Phật, cũng không cần chuyển thế đầu thai nữa.

Hết thảy hữu tình đều sẽ trôi qua. Trên ngả đường mây khói nghìn trùng, lời nào cũng không cần nói. Khi cáo biệt, cũng không cần ngoái nhìn. Sát na quay người, xin hãy khắc ghi quãng thời gian chúng ta đã từng đi qua đó.

Bồ đề hoa nở hoa lại rụng

Đều nói nhân gian là sân khấu, những chúng sinh đi xuyên qua hồng trần, mỗi ngày đều bận rộn diễn một vở kịch gọi là cuộc sống, đi qua biết bao cây cầu, nhìn qua vô số mây bay, kinh qua trăm ngàn lần tụ tán, rồi một ngày, liệu có cần gỡ bỏ trang sức đời người, trở lại với bản ngã thuần khiết thanh tịnh hay không? Dưới gốc bồ đề bình thản tu hành, ngắm núi xanh che mặt trời, nước biếc không gợn sóng.

Bốn mùa luân chuyển, những vách đá có cây đã trải qua ngàn vạn năm đó, cũng chẳng tránh nổi vòng luân hồi tháng năm. Kỳ thực, tất cả con người đều có lựa chọn của riêng mình, mỗi một bến đỗ đều là bản thân cam tâm tình nguyện dừng lại, nhân quả chưa từng nợ chúng ta điều gì, chúng ta cũng không có lý do gì để oán trách. Tu hành là một vị thuốc, vị thuốc này có thể biến kẻ ngu muội thành người thông tuệ, khiến kẻ say sưa thành người tỉnh táo, khiến kẻ cuồng si sớm được giác ngộ. Vì vậy chúng sinh nên lập tức cắt bỏ trần duyên, đoạn tuyệt nợ nần, mang hành trang gọn nhẹ lên đường, đi tìm hoa bồ đề nở đã từng thấy trong giấc mộng.

Tất cả của ngày hôm qua đều là chuyện cũ xa xưa, trút bỏ mớ trang sức thời gian, ung dung bước ra khỏi thế giới phù hoa, tâm hồn trong vắt như nước. Từ đó về sau, thuyền chài xướng hoạ, thưởng trăng buông cần, mặc kệ hoa lau như tuyết, mây khói bao trùm. Dưới gốc cây bồ đề, cỏ bồ vẫn như xưa, đây là một đạo tràng từ bi, vạn vật sinh linh trên thế gian đều có thể tu hành tại đây, chẳng hề phân biệt. Những câu chuyện đã từng mơ hồ, nay bắt đầu sáng tỏ, những tình cảm đã từng mông lung vô định, nay cũng đã chấp nhận bỏ qua.

Tu hành là một sự siêu thoát tự do mà thanh cao. Cái gọi là đi đến nơi sơn cùng thuỷ tận, ngồi ngắm mây bay, chính là cảnh giới của tu Thiền. Cũng có nghĩa là tìm được vẻ đẹp giản đơn giữa thiên nhiên non nước trong lộ trình nhân sinh vốn quanh co gập ghềnh. Chứng ngộ thực sự, không chỉ là có được sự yên ổn giữa lúc nóng vội, cũng có được sự giải thoát từ trong nỗi cô đơn; không chỉ là phóng thích sự nhiệt tình, mà còn làm bình ổn sự lạnh lùng. Điều chúng ta cần, không phải là khiến bản thân chuyên tâm tu luyện, lĩnh hội sâu sắc như thế nào, mà là phải loại bỏ phồn tạp giữ lại giản đơn, ung dung tự tại.

Năm đó Lục Tổ Huệ Năng từng có bài kệ rằng: “Bồ đề vốn không cây, gương sáng chẳng phải đài. Vốn không phải một vật, chỗ nào bám bụi bặm?” Lục Tổ đang điểm hoá chúng sinh, tất cả sự vật trên thế gian đều là hư ảo. Có người nói, tu hành như thế nào mới có thể quên sạch mọi thứ của kiếp trước, thanh thản sống ở kiếp này. Vừa không phải tiêu cực trốn tránh, vừa không phải khó khăn chọn lựa, là đã có thể xoá sạch quá khứ rồi.

Uống một chén canh Mạnh Bà, như thế có thực sự xoá bỏ được mọi ký ức, lãng quên mọi yêu hận vui buồn hay không? Có lẽ bản nghĩa của canh Mạnh Bà không phải là khiến mỗi con người dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, mà là hy vọng mỗi con người có thể tẩy rửa hành trang phù phiếm trên mình. Từ đây cáo biệt hoa cỏ tầm thường của hồng trần, được phục sinh dưới gốc cây bồ đề. Vậy hãy qua đò như thế mà đi, rời khỏi cây cầu đơn sóng nhỏ, mây biếc liễu xanh, ở bờ bên kia của mặt sông soi bóng bầu trời bao la, tìm được đoá hoa bồ đề thuần khiết.

Những điều đã nói đó, những người đồng sinh cộng tử chốn nhân gian đó, cuối cùng chỉ còn lại một nụ cười cáo biệt nhau, cùng lãng quên nhau trên chốn giang hồ. Có lẽ một ngày nào đó trên con đường cầu Phật, sẽ lần nữa trùng phùng, nhưng những lời thề non hẹn biển của ngày hôm qua đã sớm bị lãng quên, ai vui chuyện người nấy. Dưới gốc cây bồ đề, biết bao sinh mệnh ngu ngơ chậm chạp đều có thể được đốn ngộ. Họ bắt đầu tôn trọng mỗi loại sinh linh, bắt đầu tin rằng hết thảy mọi thứ trên đời đều là tự nhiên, không một chút cưỡng cầu.

Lưng đeo hành trang Thiền là bước ra khỏi nơi phàm trần sâu thẳm nhất, núi xanh làm màn, nước chảy làm giường. Một mình buông câu trên sông Tuyết là ta, chặt củi ở núi Nam là ta, dạo bước trong mây là ta, gối đầu lên đá tảng cũng là ta. Chỉ có đồng hành cùng tự nhiên, mới có thể không bận tâm đến năm năm tháng tháng, để mặc bóng câu qua cửa, nội tâm như giếng cổ không gợn sóng. Nếu như lạc lối chốn đồng hoang hay say ngã trước rừng phong, chỉ cần tìm được một gốc bồ đề là tìm được chốn về. Giữ một khoảng trời tinh khiết, cảm nhận tự nhiên, ngắm nhìn vầng dương lặn, ngọn gió mát lành, núi sông tĩnh mịch.

Độ lấy nước là đường, sen là thuyền. Những người cùng bạn chung thuyền vượt sông năm đó, không ai có thể đi với bạn đến điểm cuối cùng. Một số người giữa đường từ biệt, một số người đi lướt qua nhau, một số người vô tình tụt lại. Nhưng chúng ta nên tin rằng, cho dù con đường có xa xôi bao nhiêu, chúng ta đều có thể tìm được một bến bờ thuộc về riêng mình. Cho nên, đừng bao giờ nghi ngờ sự thiện lương trong một con người, bởi vì đối diện với khốn cảnh, chúng sinh sớm đã học được lòng khoan dung và tha thứ.

Tất cả duyên phận trên thế gian vốn đều tầm thường và nhạt nhẽo. Vì có những câu chuyện lưu chuyển đến nghìn năm, có những sự đợi chờ xoay vần đến vạn kiếp, mới khiến người ta cảm thấy sự gặp gỡ của kiếp này không dễ gì có được. Những hạnh phúc và đau thương mà chúng ta chứng kiến cùng trôi dạt trên một dòng chảy, đến cuối cùng đều không tách bạch nổi ý nghĩa của hai bên. Tháng năm trôi qua trong câm lặng, những người những việc đã từng gặp, dần dần xa vời rồi trở nên nhạt nhoà. Chỉ có đoá hoa bồ đề vẫn vĩnh viễn còn đó, năm tháng không thể mài mòn. Vẫn tu luyện trong hồng trần, vẫn trong sáng thanh tịnh, vẫn an ổn vui vầy, bình yên hiền hoà như cũ.

Phật nói: “Đời người sống trên trần thế như sống giữa bụi gai, tâm không động, người cũng không làm bừa, không động thì không bị thương; nếu tâm động thì người sẽ làm bừa, tổn thương thân thể, đau đớn cốt tủy, thế nên lĩnh hội đủ mọi đau khổ trên thế gian.” Bất cứ lúc nào đều phải làm một bản ngã đơn giản, trong sạch, đối đãi một cách khoan dung với cuộc sống, trân trọng bản thân và mỗi người xung quanh mình. Chỉ có như thế, mới có thể có một trái tim sạch sẽ trong sáng như pha lê. Cho dù vô tình bị bụi bặm của thời gian che phủ, cũng trong đục rõ ràng. Ba ngàn thế giới, bóng hình thoáng qua, cái chúng ta nhìn thấy được chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi, một làn nước thu, một mảnh trăng khuyết.

Mơ một giấc mơ thanh khiết như nước, trong mộng không biết bồ đề đã mấy độ nở hoa. Giữa xứ Phật mênh mông vạn Phật, nghìn năm cũng chẳng qua là một sát na, mà sát na lại là vĩnh viễn. Luôn ngỡ rằng trên đời này không có ân oán nào là không thể xoá tan, không có lòng người nào là không thể lay động, những chuyện trăng gió cũ, những món nợ tiền duyên, qua thời gian đều có thể khuây khoả.

Đều nói đời người là một màn kịch vĩnh viễn không kết thúc, cho nên dù giang sơn đổi chủ, bãi bể nương dâu, đều chỉ là quy luật tự nhiên. Lá rụng núi vắng, đường nhỏ xanh râu, dù cho đã từng cáo biệt thì vẫn sẽ không hẹn mà gặp. Đợi đến khi bụi bặm của tháng năm đều được gạn lọc, hãy coi mỗi ngày đều là một ngày đẹp, hãy coi mỗi người đều là lần đầu gặp gỡ trong cuộc đời, hãy đổi mỗi đoá hoa thành muôn hồng ngàn tía.

Sau này mới biết một bài hát tên là “Hoa bồ đề”. Thanh âm trong trẻo uyển chuyển cất lên kể hết sự tình ngàn năm, khiến người ta quên mất tu hành, không kìm được mà nảy sinh trần niệm. Nhưng cũng chỉ là sự tập trung tinh thần trong thời gian ngắn ngủi, sau khi giai điệu rung động lòng người kết thúc, chúng ta đều phải từ bỏ. Bất cứ lưu luyến nào đều bị đẩy vào vòng luân hồi của thời gian, tu luyện nhiều năm cũng sẽ uổng hết công lao. Cảnh giới của tu Thiền, không phải nước lặng chảy sâu, chỉ là tuỳ duyên mà an.

Hoa bồ đề

Ta là hoa bồ đề trên cây bồ đề, lạnh lùng nhìn bụi trần ngàn năm chốn nhân thế.

Chàng lưu luyến dưới gốc cây, khoảnh khắc ngoái đầu nhìn nhau đó, khắp đất trời chỉ còn lại hàng mi như tranh vẽ của chàng.

Mặt hồ in bóng chiếc áo trắng tựa tuyết của chàng bên cạnh hoa sen, trần niệm nổi lên, hồng đậu vì ai mà nở.

Mặt hồ in ánh mắt như trăng soi bóng nước của chàng, từ đây khắc cốt ghi tâm, một đời vương vấn.

Ta quên mất sự tu hành nghìn năm, luân hồi thành người phàm trần.

Chỉ để tìm một người trong hồng trần, cùng đi đến chân trời góc bể.

Nhớ đến khi thêu rèm cửa sổ, bóng dáng thanh tú tĩnh lặng chìm khuất, ai người tiếp đón.

Giữa biển người mênh mông, nương dâu biến ảo, lại một mùa hạ trôi qua, bước chân ta đã loạng choạng, tóc bạc trắng như tơ.

Năm xưa dưới gốc cây bồ đề, ai đang uổng công than thở, trên mặt hồ thấp thoáng một đoá hoa bồ đề.

Ta là hoa bồ đề trên cây bồ đề, lạnh lùng nhìn bụi trần ngàn năm chốn nhân thế.


Phan_1
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .